By M. Lynch - Weatwork.co columnist
Cơ thể mỗi con người có phản ứng sinh học trước virus Corona. Nhưng mỗi cộng đồng lại có phản ứng văn hóa trước đại dịch này. Các phản ứng văn hóa xuất phát từ các hành vi xã hội & kinh tế của các nhóm, cộng đồng cộng lại. Vì thế Covid19 tác động mạnh hay nhẹ lên mỗi cộng đồng rất phụ thuộc vào các tập hợp hành vi của cộng đồng đó.
Văn hóa duy trì khoảng cách
Văn hóa Bắc Âu, đặc biệt là Thụy điển, nổi tiếng với văn hóa "duy trì khoảng cách." Ở bất kỳ quán xá, trạm xăng, bến xe bus, .v.v. bạn đều có thể thấy người Thụy Điển luôn duy trì một khoảng cách rất đáng kể (trên dưới 2 m) với người bên cạnh gần nhất. Câu nói nổi tiếng "my space - your space" - trong bộ phim Dirty Dancing mà gần như người Thụy điển nào cũng biết, phần nào khắc họa cơ bản văn hóa này.
Đây chính là văn hóa đặc trưng khiến nhiều người Thụy Điển tự tin rằng họ có thể tránh được sự lây lan khủng khiếp của Covid19 mà không cần đến sự áp đặt khắc nghiệt từ chính phủ. Nếu bạn đọc báo và đặt câu hỏi tại sao trong khi hàng trằm hàng ngàn người chết mỗi ngày ở Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, v.v. thì cửa hàng vẫn mở, học sinh vẫn đi học, đường phố vẫn tấp nập ở Thụy Điển, thì có thể văn hóa duy trì khoảng cách là một phần quan trọng của câu trả lời, bên cạnh niềm tin của Chính phủ Thụy điển về "miễn dịch cộng đồng" - cho phép tỉ lệ lớn dân số nhiễm bệnh và tự tạo kháng thể miễn dịch trong cộng đồng.
Nhờ Covid19, văn hóa "duy trì khoảng cách" vốn bị chính người bản địa lên án vì làm giảm tính gắn kết trong gia đình cộng đồng, lấy lại được chỗ đứng của nó. Ở các quốc gia có nền văn hóa gắn kết mạnh mẽ, nơi tập thể, gia đình, v.v. thường có xu hướng giao thoa gần gũi, thích tụ tập đông người, nơi khi văn hóa này hiếm khi tồn tại, ta cần phải xem xét đến một số loại hình văn hóa khác dưới đây.
Văn hóa ám ảnh với vi khuẩn
Nỗi ám ảnh với vi khuẩn - germ-panic - là một đặc trưng rất riêng và đã xuất hiện từ rất lâu trong xã hội hiện đại của các nước phát triển. Nó tạo ra văn hóa cùng tên nhưng thể hiện ở hai cấp độ, cực nhẹ và cực mạnh.
Ở cấp độ cực nhẹ, văn hóa ám ảnh với vi khuẩn khiến ta có thể lý giải tại sao nhiều người ngồi trong xe bus, quán cafe, quán ăn...có thể la hét ầm ỹ kinh sợ khi một người ...ngoáy mũi, ngoáy tai hay lè lưỡi liếm ngón tay đếm tiền.
Ở cấp độ cực mạnh, người ta kỳ thị, kết tội, phân biệt đối xử, thậm chí có hành động bạo lực đối với những cá nhân và tập thể đến từ vùng có nguồn gốc bệnh dịch, ví dụ như người nhập cư và người nghèo với bệnh lao và người Châu Á với Covid19.
Đương nhiên cái gì quá tả hay quá hữu đều gây tác động tiêu cực, nhưng ít nhất văn hóa "ám ảnh với vi khuẩn" khiến người ta nhận thức về mối nguy hiểm từ bệnh dịch mang lại nhiều hơn, từ đó cẩn thận bảo vệ bản thân & người khác tốt hơn, chứ không để sự vô thức trong suy nghĩ "không sợ vi khuẩn" làm tổn hại đến sức khỏe của cá nhân và cộng đồng.
Văn hóa thừa nhận
Dù trong quá khứ, dịch bệnh như lao phổi, sởi, cúm Tây Ban Nha đã từng cướp đi mạng sống của hàng chục triệu người trên toàn cầu, một bộ phận không nhỏ trong xã hội hiện đại lại nói không với vắc xin. Những người này được gọi là anti-vax hoặc vaccine-hesitant, tức là những người không thừa nhận vai trò của vắc xin trong việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm.
Những người này thường có xu hướng không tin vào các cơ quan y tế, tính hiệu quả của việc phòng chống hoặc không thể/không muốn tiếp cận vắc xin. Số đông nhóm này có suy nghĩ giống nhau và liên kết lại và hành động anti-vax từ đó tạo thành văn hóa "không thừa nhận".
Có thể họ đang góp mặt vào nhóm biểu tình chống giãn cách xã hội tại một số bang của Mỹ vì cho rằng "Covid19 là lời nói dối", "Covid19 chỉ là cái cớ kiểm soát tự do đi lại" và "chẳng có gì ghê gớm" đang diễn ra cả. Ngay từ đầu dịch cho đến gần đây nhiều người vẫn so sánh Covid19 với cúm mùa đã cướp đi hàng chục ngàn mạng sống ở Bắc Mỹ. Khi không thừa nhận sự nguy hiểm của Covid19, cũng như không thể vượt qua được vấn đề khủng hoảng kinh tế, "thà chết vì virus còn hơn chết vì đói và không thể trả bill hàng tháng", chẳng có gì khiến cho chúng ta vượt qua được cơn đại dịch này.