top of page

Quản trị tích cực

Trong một buổi tiệc cuối năm, tôi bất ngờ được gặp nữ doanh nhân H.L, Phó Tổng Giám đốc - Đồng Sáng lập một tập đoàn nổi tiếng chuyên về các sản phẩm dược mỹ phẩm từ thiên nhiên dành cho người Việt. Gần đây những chai dầu gội bằng nguyên liệu bồ kết cổ truyền của phụ nữ Việt còn được người Mỹ biết đến. Thật là hạnh phúc vì tôi luôn tự hào mái tóc của mình dài và đen bao năm nay là nhờ những chai dầu gội bồ kết của chị.

Nhưng bấy nhiêu thôi chưa đủ làm chúng tôi ấn tượng về chị. Chính thái độ tích cực trong khi nhận định về vấn đề quản trị con người Việt Nam của chị đã khiến chúng tôi phải xem lại cách nhìn tiêu cực của mình.

Khi chúng tôi đang thảo luận sôi nổi về những điểm "đau" trong ngành quản trị nguồn nhân lực, trong đó không chỉ nhân viên làm việc cảm tính, mà lãnh đạo cũng quản lý cảm tính. Văn hóa "nước" theo người Việt từ gia đình đến nơi làm việc, cực kỳ linh hoạt, mềm dẻo, nhưng chính vì thế cũng bỏ qua nguyên tắc, quy định, né tránh trách nhiệm, mọi người thích đối xử với nhau bằng cái "tình" hơn là cái "lý", theo đó mâu thuẫn, quan điểm trái chiều thường xuyên diễn ra, hệ quả dễ nhận thấy nhất là khả năng hợp tác mất đi, hiệu quả làm việc giảm sút do các mối quan hệ "tình cảm" đi xuống, v.v. thì chị Liên cho rằng mọi việc cũng không đến nỗi tệ như vậy. Thị trường càng linh hoạt thì lại càng cho thấy kẻ mạnh hơn sẽ đi tiếp và đi xa, người kém bản lĩnh sẽ bị đào thải. Nhân viên không muốn ở lại thì hãy để họ đi, tiếp tục tuyển dụng và giữ chân người thực tài thực tâm. Có thể tỉ lệ đi ở nhiều khi lên tới 50/50 nhưng cũng phải chấp nhận vì đó là quy luật thị trường. Cái quan trọng nhất là lợi ích của nhân viên. Nếu mình đáp ứng được điều này người cần sẽ tìm đến và người mình cần ở lại với mình dài lâu.

Khi bản thân tôi chưa hết ngạc nhiên về cách nhìn của chị, vì trong nhiều năm tôi thường xuyên gặp gỡ nhiều nhà đầu tư, CEO, quản lý cấp cao, v.v. và nghe quá nhiều những quan ngại của họ về vấn đề nhân sự của Việt Nam, chị lại trả lời câu hỏi của tôi về giải pháp của chị đối với nguồn nhân lực "quá" cảm tính và linh hoạt một cách cực kỳ đơn giản: "Muốn quản lý con người cảm tính, cần nhất là phân công và tách biệt trách nhiệm của mỗi người thật rõ ràng, việc ai người nấy làm"

Không biết chị có biết rằng điều chị nói là một trong những thách thức lớn nhất của quản trị nhân sự thế giới, chứ không chỉ ở Việt Nam. Phân công đúng người đúng việc thực sự chỉ diễn ra trong môi trường quản trị doanh nghiệp hiệu quả, minh bạch, công bằng, hạn chế cảm tính và quyền lực tuyệt đối không bị lạm dụng. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, đối với một lãnh đạo cấp cao như chị, khẳng định ngay đây là ưu tiên hàng đầu trong quản trị con người đã một may mắn lớn cho nguồn nhân lực của tập đoàn mà chị đang điều hành. Bởi lẽ quá nhiều lãnh đạo hiện nay thừa nhận họ loay hoay với chất lượng nhân sự thấp, làm việc cảm tính, hợp tác thiếu hiệu quả, không chịu nhận trách nhiệm, hay đổ lỗi dù kiến thức thực tiễn hạn hẹp. Nếu họ áp dụng nguyên tắc quản lý nhân sự của thế giới, tôn trọng nhân viên và tuân phủ pháp luật vốn thiên vị người lao động, họ thường chỉ thấy mình kém cạnh tranh hơn về chi phí mà chưa chắc đảm bảo được chất lượng nhân sự mong muốn. Do đó họ ưu tiên kỷ luật mạnh tay, quy trình mà nếu rõ ràng đúng sai thì thường cứng nhắc và ít tôn trọng ý kiến nhân viên. Kỹ năng xây dựng quy trình quản lý yếu cộng với quản trị tùy ý khiến họ thường đưa ra các quyết định thiếu căn cứ, trước sau thiếu thống nhất khiến nhân viên không phục, tinh thần làm việc đi xuống và mối quan hệ chấm dứt trước khi nó tồn tại và thăng hoa.

Chi phí xung đột tại nơi làm việc là yếu tố đầu tiên giúp chúng tôi thuyết phục các nhà lãnh đạo này đầu tư nhiều hơn vào quy trình làm việc có sự tham gia của người lao động. Bởi lẽ nếu tiếp tục quản lý cảm tính, mỗi doanh nghiệp sẽ mất hàng tỉ đồng cho hàng trăm vụ tranh chấp mỗi năm, từ quản lý cấp cao đến nhân viên cấp thấp phải dùng ít nhất hai (02) giờ làm việc một ngày để giải quyết xung đột mâu thuẫn tại nơi làm việc. Nước Mỹ thường phải trả đến gần 400 tỉ đô mỗi năm cho 2,8 giờ làm việc mỗi tuần mất đi. Nếu con số này áp dụng cho 20 triệu người đi làm với mức lương tối thiểu hoặc trung bình tại Việt Nam, nền kinh tế có thể mất đi ít nhất từ 12 đến 24 tỉ đô la cho vấn đề này. Doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam đang dần nhận ra điều này, và họ đang bắt đầu đầu tư hiệu quả hơn cho quản trị nhân sự chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, xét cho cùng, những con số này vẫn đang mang màu sắc tiêu cực. Có lẽ những lãnh đạo như chị H.L sẽ thành công hơn trong nhờ quản trị con người với một tâm thế tích cực. Hiểu biết nguyên lý, kỹ năng quản lý tốt nhưng lại biết nâng tinh thần làm việc lên bằng sự lạc quan và tin tưởng. Đối với nguồn nhân lực Việt vốn cảm tính, linh hoạt tựa như "nước", hoàn toàn có thể hiểu được đây là một giải pháp phù hợp. Có thể sẽ rất mất thời gian và công sức để lan tỏa năng lượng tích cực, nhưng năng lượng đó bản thân nó ngay từ đầu sẽ dễ dàng nhận được sự ủng hộ của những người tiêu cực nhất, trong đó có chúng tôi. Cuộc nói chuyện với chị như một làn gió mát, khiến chúng tôi tin rằng nếu được tiếp cận các phương thức quản trị con người chuyên nghiệp, song song với liều thuốc quản trị tích cực, nhiều doanh nghiệp Việt sẽ phát triển mạnh mẽ và vững vàng hơn nữa.

 

"There are no great organizations.

There are only great people who make great organizations"

-----------

Respect Vietnam prepares purpose-driven leaders

& people-centric organizations

in the face of the fast-changing world of work



bottom of page